ASEAN - điểm đến hấp dẫn




ASEAN nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có tốc độ tăng trưởng du lịch nóng của thế giới. Năm 2009, dù ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng lượng khách quốc tế đến ASEAN vẫn đạt tăng trưởng dương, đạt 65 triệu khách quốc tế, tăng 1% so với năm 2008. Để đẩy mạnh và phát huy thế mạnh du lịch của khối, bàn giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư du lịch tại ASEAN, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Bộ VH-TT-DL Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn Đầu tư du lịch ASEAN với chủ đề “Đầu tư du lịch ASEAN: Thách thức và cơ hội”.

Việt Nam thu hút nhiều du khách nước ngoài. Ảnh: Kim Ngân

Sự hấp dẫn của vùng đất mới

Các nước trong khu vực ASEAN không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế mà nơi đây cũng đã và đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư của các nhà đầu tư có vốn nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực du lịch. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2009 nhưng nhiều nước trong khu vực ASEAN vẫn có được sự tăng trưởng du lịch ngoạn mục.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hiệp quốc (UNWTO), tính đến thời điểm này ngành du lịch ở các nước khu vực châu Á đã hồi phục nhanh và đang có tăng trưởng cao sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 - 2009. Trong đó, nhiều nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng kỷ lục của năm 2008 khoảng 5% - 7%. So với cùng thời điểm này của năm 2009, ngành du lịch của Việt Nam tăng 35%, Myanmar tăng 35%, Singapore tăng 23%...

Phát biểu tại diễn đàn, GS-TS Wong Kong Yew thuộc Viện nghiên cứu chính sách du lịch Malaysia, cho biết đầu tư vào du lịch chiếm 15% trong tổng đầu tư vào ASEAN. Trong top 15 quốc gia hàng đầu thu hút đầu tư FDI, ASEAN có 4 đại diện là Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Trong đó, Việt Nam đứng đầu ASEAN về thu hút FDI, đứng ở vị trí thứ 8 của thế giới. Tiếp đến là Indonesia đứng hạng 9, Thái Lan từ vị trí 20 vươn lên 11, Malaysia cũng từ 20 lên vị trí 15 trong thu hút đầu tư FDI.

Hiện nay, đầu tư của các nước ASEAN trong nội khối chiếm tỷ lệ khá cao. Hiện Malaysia là nước dẫn đầu về các dự án đầu tư tại Việt Nam với 362 dự án, tiếp đến là Singapore, Thái Lan, Brunei, Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia. Việt Nam đầu tư vào các nước ASEAN với 296 dự án, tổng vốn 5 tỷ USD, chiếm 60% đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Tại Việt Nam và nhiều nước như Campuchia, Lào… du lịch là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều dự án đầu tư FDI. Tuy nhiên, GS-TS Wong Kong Yew cũng cảnh báo, một số quốc gia và vùng lãnh thổ “hàng xóm” của ASEAN đang có chính sách thu hút đầu tư thân thiện hơn nhiều nước ASEAN. Do vậy, các nước ASEAN không nên mất cảnh giác, cần phải hoàn thiện chính sách đầu tư tốt hơn để giữ cũng như tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư FDI.

Thiếu hạ tầng và nguồn nhân lực

Ngành du lịch tại nhiều nước ASEAN đang tăng trưởng nóng. Đó là dấu hiệu vui. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những vấn đề đặt ra cho ngành du lịch, quan trọng nhất chính là vấn đề hạ tầng dịch vụ và nguồn lực để phát triển. Với dân số khoảng 600 triệu dân, ASEAN đang thật sự trở thành một điểm hấp dẫn của việc phát triển kinh tế.

Đặc biệt, việc hướng đến xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 là cơ hội lớn đối với các thành viên ASEAN, nhất là những nước đang phát triển. Cộng đồng ASEAN tạo cơ hội thúc đẩy du lịch ASEAN phát triển.

Nhìn một cách tổng quan là như vậy, tuy nhiên còn cả một quá trình dài trong thời gian tới. Thực tế hiện nay, giữa các nước thành viên trong ASEAN có sự phát triển không đồng đều, có sự cách biệt về môi trường đầu tư, hạ tầng, nguồn nhân lực nên vấn đề thu hút đầu tư cũng chưa thật lý tưởng. PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam đánh giá, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là 2 điểm yếu của nhiều nước trong khu vực.

Ngay cả Việt Nam, vấn đề trên cũng đang là trở ngại để có thể thu hút nhà đầu tư. Ông Matthew Lourey, Giám đốc dịch vụ tư vấn Công ty Grant Thornton cho rằng, nguồn nhân lực giữ vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Đây phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu nếu như các nước ASEAN chọn du lịch làm mũi nhọn để phát triển kinh tế. Vì xu hướng hiện nay, nhà đầu tư muốn nơi đầu tư của mình có sự lan tỏa, kết nối thuận tiện hơn với các nước lân cận. Đầu tư tại một nước tuy hiệu quả, nhưng nếu là một khu vực thì hiệu quả sẽ cao hơn. Đó cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm ASEAN trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Xu hướng này đang là một thực tế trong thu hút du lịch. Du khách muốn đến một nơi nhưng được đi nhiều điểm hơn. Để đón bắt xu hướng này, trong nhiều năm qua, ngành du lịch của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã liên kết, hình thành “Việt Nam, Lào, Campuchia – 3 quốc gia 1 điểm đến”.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Việt Nam Hoàng Tuấn Anh cho biết, trong khuôn khổ triển lãm, Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCM diễn ra tại TPHCM từ ngày 30-9 đến 2-10, nếu đạt được sự đồng thuận trong cuộc họp Bộ trưởng Bộ Du lịch của 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, ITE HCMC năm 2011 sẽ có thêm thành viên mới là Myanmar và hướng đến chủ đề “Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, 4 quốc gia 1 điểm đến”.

Đây là một bước tiến mới trong quảng bá hình ảnh du lịch các nước tiểu vùng sông Mekong. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang triển khai các tuyến đường sắt nối liền Myanmar, Lào góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nội khối.

MỸ HẠNH

Chia sẻ lên Google Plus

Về hop

Là người yêu du lịch, thích đọc sách, kinh doanh và tìm hiểu về Marketing. Bạn có thể kết nối với Google+ của mình tại đây https://plus.google.com/+TrongHopCao.
    Blogger Comment

0 Nhận xét:

Post a Comment