Những bệnh đột quỵ thường gặp khi đi máy bay

Trước đây 1 thập kỷ người ta phải bỏ tiền và nhờ vả để đi máy bay cho oai, nhưng giờ đây việc đi lai bằng máy bay chỉ là công việc thường ngày. Tuy nhiên, vấn đề sẽ khó khăn nếu như chúng ta mắc phải một số bệnh mà bác sỹ khuyên tránh đi lại bằng máy bay.

Vừa đây, một chuyến bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam xuất phát từ Đà Nẵng đi Hà Nội đã phát hiện người đàn ông tử vong trên ghế khi máy bay đang khởi động để chuẩn bị cất cánh. Nguyên nhân được xác định ban đầu thì người đàn ông này bị đột quỵ do mắc bệnh tim. Những người mắc các bệnh tim mạch, hô hấp… cần tuân thủ các nguyên tắc khi đi máy bay. Ở nước ta, các hãng hàng không cũng có những quy định về điều kiện vận chuyển hành khách. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi chỉ đề cập đến các bệnh lý mà bệnh nhân có thể đi hoặc không được đi máy bay.

Việc quyết định có nên cho một bệnh nhân đi máy bay hay không không những phụ thuộc vào bản chất, mức độ nặng nhẹ của bệnh mà còn phụ thuộc vào các yếu tố: thời gian bay, độ cao bay, chịu áp suất thế nào, việc cung cấp ôxy và các thiết bị y học đầy đủ đến đâu, có thầy thuốc và điều dưỡng viên đi cùng hay không và các vấn đề lưu ý đặc biệt khác. Mặc dù hàng không của các quốc gia không cho phép sử dụng các bình ôxy cá nhân, nhưng trên các chuyến bay, người ta sẽ cung cấp ôxy theo yêu cầu của thầy thuốc, của hành khách. Sự cố y học hay gặp nhất trên máy bay là thiếu ôxy và các cấp cứu về tim mạch, ngất, tâm thần kinh…



Bệnh tim mạch

Các trường hợp bệnh nhân tim mạch không được đi máy bay gồm: bệnh tim mất bù; suy tim sung huyết; bệnh động mạch vành có tăng huyết áp nặng, tăng huyết áp mà chưa được kiểm soát tốt; bệnh nhân có cơn đau thắt ngực mới phát nặng hoặc chưa ổn định; bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu.

Những trường hợp và điều kiện có thể đi máy bay: bệnh tim mất bù nhưng đã điều trị hợp lý, tim đã được bù; hoặc bệnh nhân được đi trên máy bay trang bị phương tiện tạo áp suất ôxy 100% suốt chuyến bay; bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, đã phục hồi và không có triệu chứng từ 6 tuần trở lên; các trường hợp đau thắt ngực nhẹ hay vừa có thể cho đi máy bay, nhất là máy bay có thiết bị tạo áp suất và có ôxy; các bệnh van tim hoặc tim còn bù khác: bệnh nhân chỉ được phép bay ở độ cao từ 2.400 – 2.800m. Nếu muốn bay ở độ cao cao hơn thì máy bay phải được trang bị phương tiện tạo áp suất và cho bệnh nhân thở ôxy từ độ cao 2.400m trở lên; bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu cho đến khi liệu pháp chống đông máu đã ổn định và không có các biến chứng phổi. Lưu ý rằng các chuyến bay đường dài làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và gây bệnh nghẽn mạch; vì vậy để phòng tránh bệnh nhân cần phải kiêng rượu và thuốc lá, đồng thời dùng aspirin liều thấp, sử dụng bít tất hỗ trợ, vận động chi dưới và đi bộ trong khi bay.

Bệnh hô hấp
Những trường hợp không nên đi máy bay: bệnh nhân đang lên cơn hen; ở tình trạng hen nặng; bệnh nhân có nang phổi bẩm sinh; bệnh nhân bị lao đang hoạt động, lây nhiễm hoặc tràn khí màng phổi; khó thở khi nghỉ ngơi bị cấm bay; mức độ thiếu ôxy máu và tăng anhydrid carbonic nặng…

Các trường hợp bệnh nhân hô hấp có thể đi máy bay là: dị ứng mũi và nhiễm khuẩn nhưng cần lưu ý là sau khi bay dễ phát triển bệnh viêm tai do áp lực khí. Để ngăn ngừa viêm tai do áp lực khí (barotitis), trong khi bay, bệnh nhân nên nhai kẹo cao su, dùng thuốc chống ngạt mũi trước khi khởi hành 30 phút, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn thích hợp và tránh ngủ lúc máy bay hạ xuống; bệnh nhân hen nhẹ có thể đi máy bay bình thường.

Phụ nữ có thai
Thai phụ mang thai trong 8 tháng đầu có thể đi máy bay bình thường ngoại trừ người có tiền sử sảy thai hay đẻ non liên tiếp. Người có thai tháng thứ 9 không nên cho đi máy bay, nếu cần đi thì phải có sự cho phép của thầy thuốc. Trẻ nhỏ dưới 1 tuần tuổi không nên cho bay lên độ cao quá hoặc bay đường dài.

Bệnh thiếu máu
Trường hợp thiếu máu nặng, hemoglobin dưới 8,5g/dl hoặc số lượng hồng cầu dưới 3 triệu/ml không được đi máy bay cho đến khi bệnh nhân được điều trị, hemoglobin đã tăng đến mức hợp lí. Nếu hemoglobin dưới 8,5 – 9g/dl thì cần chuẩn bị sẵn ôxy. Đối với bệnh nhân bị bệnh tế bào hình liềm rất dễ bị rối loạn khi đi máy bay nên cần phải hạn chế độ cao và quãng đường bay.

Bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường mà không cần dùng insulin hoặc có thể chỉ dùng insulin mang theo mình trong chuyến bay thì có thể bay an toàn. Những bệnh nhân tiểu đường “dao động” mà đang chịu những đợt hạ đường huyết thì cần được kiểm soát tốt trước khi bay. Bệnh nhân nên mang đường hay kẹo theo dùng trong khi bay để phòng phản ứng hạ đường huyết. Trong trường hợp phải bay đường dài, việc điều chỉnh thời gian dùng insulin trước khi bay qua các múi giờ cần được thầy thuốc hướng dẫn.
Bệnh nhân sau phẫu thuật Những trường hợp sau phẫu thuật hoặc sau chấn thương mắt phải đi trên các máy bay có ca-bin áp lực và liệu pháp ôxy để tránh tổn thương võng mạc do thiếu ôxy và bọt khí trong mắt. Bệnh nhân mới mổ không nên đi máy bay trong 10 ngày sau phẫu thuật bụng và 21 ngày sau phẫu thuật ngực; sau đó chỉ bay khi đã lành vết mổ và không phải dẫn lưu. Bệnh nhân phải mở thông đại tràng có thể đi máy bay miễn là không có mùi và các túi mở thông đại tràng đã thay mới trước khi bay. Bệnh nhân thoát vị bẹn hay thoát vị đùi to, không đỡ bằng băng treo hoặc bó thì không cho đi máy bay nếu máy bay không có thiết bị tăng áp lực vì tăng nguy hiểm nghẹt ruột thoát vị.

Bệnh rối loạn tâm thần
Bệnh nhân loạn thần nặng hoặc trong trạng thái kích động, loạn trí không được đi máy bay kể cả khi có thầy thuốc đi kèm. Bệnh nhân hoảng loạn  hay sợ hãi có thể cho đi máy bay nhưng phải uống thuốc an thần trấn tĩnh trước và trong khi bay.

Theo BS. Ninh Hồng – VNE
Chia sẻ lên Google Plus

Về hop

Là người yêu du lịch, thích đọc sách, kinh doanh và tìm hiểu về Marketing. Bạn có thể kết nối với Google+ của mình tại đây https://plus.google.com/+TrongHopCao.
    Blogger Comment

0 Nhận xét:

Post a Comment